Laptop bị đổ nước là điều rất hay gặp mỗi khi mùa mưa đến, và gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người sử dụng. Việc cấp cứu laptop bị dính nước đúng cách sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa thiệt hại cho máy tính của mình. Sau đây Sơn Đạt sẽ hướng dẫn các bạn quy trình xử lý 1 chiếc máy tính bị ướt:
1, Tháo ngay pin và nguồn điện ra khỏi máy
Đây là thao tác cực kỳ quan trọng, cho dù sau khi bị nước rơi vào máy bạn vẫn chạy đuợc thì bạn vẫn phải tiến hành sơ cứu, không nên tiếp tục sử dụng, chắc chắn máy sẽ hỏng sau vài ngày, thậm chí là vài giờ tùy theo tốc độ oxi hóa và ăn mòn. Và tuyệt đối không được mở máy để thử xem có còn chạy được hay không!
Đối với cục sạc (adapter) nếu không may bị nước vào, thì cũng không nên cắm điện để thử, rất nguy hiểm đối với máy và cả người sử dụng. Vì trong adapter được thiết kế cách ly nguồn AC 220V và nguồn DC, nếu nước chảy vào trong bảng mạch thì rất dễ bị rò điện 220v qua ngõ ra DC, khi đó chúng ta sẽ bị giật, và nếu cắm cục adapter này vào bất kỳ máy nào thì máy đó đều chết không kịp ngáp.
2, Dựng máy đứng thẳng để nước chảy ra ngoài
Đối với các bạn nữ hoặc những người không rành về công nghệ thì việc tháo máy ra để sấy là không thể, tuy nhiên các bạn có thể giảm bớt thiệt hại cho máy bằng cách dựng đứng máy lên (xem hình minh họa) để chất lỏng chảy ra ngoài 2 bên cạnh máy.
3, Tháo rời từng thành phần của máy và tiến hành vệ sinh bên trong
Lưu ý: đây là công đoạn khó khăn nhất, nếu bạn không rành thì có thể mang đến bệnh viện chuyên sửa chữa laptop để xử lý, chi phí cũng không quá cao
Đầu tiên các bạn tháo rời từng thành phần của máy ra: bàn phím, ổ đĩa cứng, ổ đĩa quang, bo mạch chủ, ram, cpu, heatsink….
Sau đó dùng máy sấy sấy thật khô các chi tiết linh kiện.
Riêng đối với bo mạch chủ thì các bạn phải xem kỹ những nơi có dấu hiệu bị ô xi hóa và tiến hành rửa bằng dung môi như xăng, dầu hỏa, axeton hoặc nước sạch…. tùy vào chất lỏng rơi vào máy là loại gì để chọn dung môi thích hợp. Sau khi xử lý những vị trí đó thì mới tiến hành sấy khô thật kỹ.
4, Đánh giá lại toàn bộ tình hình linh kiện trước khi lắp lại vào máy.
Sau khi sấy khô hoàn toàn, bạn phải kiểm tra bằng mắt thường các linh kiện:
Nếu các thành phần của máy khô ráo, không có dấu hiệu bị rỉ sét, ô xi hóa, mòn, mục đường mạch, không có dấu hiệu chạm các chân IC vào nhau…. thì có thể lắp máy lại và tiến hành cắm nguồn test thử. Lưu ý bàn phím là linh kiện dễ hư nhất khi máy bị vào nước, nên lắp sau cùng và chuẩn bị tâm lý thay thế.
Nếu bo mạch chủ có dấu hiệu bị mục, oxi hóa, các chân IC có màu đen và chạm vào nhau, các đường mạch bị ăn mòn… thì nên giữ nguyên hiện trường và đem máy ra trung tâm chuyên sửa chữa laptop để xử lý. Không nên lắp lại và cắm điện test, điều này chỉ làm máy bạn hư nghiêm trọng hơn nhiều mà thôi.
5, Có nên mang laptop bị vô nước ra nơi sửa chữa để xử lý không?
Lời khuyên của mình là bạn nên làm thế. Vì nếu bạn là người không chuyên thì việc xử lý laptop vô nước có tỷ lệ thành công thấp, ngoài ra bạn còn có thể làm cho tình trạng máy nặng nề hơn nếu không có kinh nghiệm khắc phục sự cố latop bị dính nước.
Một cách khách quan nhất, mình khuyên các bạn không nên tiếc một số tiền nhỏ (phí xử lý laptop bị ngập nước) mà có thể sẽ phải trả một số tiền lớn (phí thay bo mạch, hoặc cả máy).